Được nhà tuyển dụng hỏi câu khó nhằn, nữ ứng viên có màn đối đáp cực thông minh và được nhận ngay lập tức.
Để có được một công việc trong mơ, các ứng viên phải cạnh tranh vô cùng khốc liệt, đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp như hiện nay. Ứng viên không chỉ cần một CV phù hợp mà còn phải vượt qua cơn “ác mộng” là vòng phỏng vấn.
Những cuộc phỏng vấn là công cụ quan trọng để nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên về mọi mặt: từ chuyên môn cho đến các phẩm chất, năng lực, kỹ năng mềm khác. Vậy nên có không ít câu hỏi phỏng vấn kỳ lạ đã ra đời để thử thách người xin việc.
Lâm Tuyền cũng gặp câu hỏi kỳ lạ như vậy trong một buổi phỏng vấn gần đây. Cô là một nhân viên bán hàng trẻ. Tự biết mình chưa có nhiều kinh nghiệm, bằng cấp lại không cao nên Lâm Tuyền vô cùng lo lắng khi nhận được thư mời phỏng vấn của công ty mà cô hằng ao ước.
May mắn là cô gái trẻ vượt qua hầu hết vòng phỏng vấn khó nhằn, tới vòng quyết định cuối cùng, Lâm Tuyền cùng một số ứng viên xuất sắc sẽ gặp và trả lời câu hỏi của lãnh đạo cao cấp. Tại đây, họ bất ngờ được hỏi: “Có 100 quả táo, nhưng 99 trong số đó có độc. Vậy bạn sẽ làm cách nào để có thể nhận biết được quả nào không độc để ăn?”.
Dù câu hỏi khá kỳ lạ nhưng tất cả ứng viên đều có gắng đưa ra cách giải quyết hợp ý nhà tuyển dụng nhất.
Người đầu tiên cho rằng: “Muốn biết quả táo nào có độc, tôi sẽ sử dụng thiết bị chuyên nghiệp để kiểm tra. Trong thời đại ngày nay thì chắc hẳn phải có công cụ đáp ứng được nhu cầu này”. Người phỏng vấn mỉm cười, ra hiệu cho người tiếp theo.
Ứng viên thứ hai đáp: “Nếu là tôi, vì không biết quả nào có độc và độc ra sao, tôi sẽ không cắt táo ra xem, vì sơ suất trong quá trình cắt có thể để lại hậu quả khôn lường”. Tương tự, nhà tuyển dụng chỉ mỉm cười và gật đầu với câu trả lời này.
Tới lượt mình, Lâm Tuyền đáp: “Với một lô táo lớn như vậy thì phải dành công sức, thời gian không nhỏ để tìm ra quả không độc. Tôi thấy rằng làm vậy quá lãng phí và không thiết thực. Trong kinh doanh, thời gian là vàng là bạc, chúng ta hoàn toàn không cần thiết phải hao tốn tâm sức cho một quả táo đến vậy. Dù là dùng cách nào để nhận diện táo độc, chi phí bỏ ra cũng lớn hơn so với giá trị của một quả táo. Vậy nên giải pháp tốt nhất là hãy đem tiêu hủy hết chúng đi”.
Lúc này, nhà tuyển dụng tỏ ra vô cùng ngạc nhiên và ấn tượng với câu trả lời của nữ ứng viên trẻ tuổi. Đúng như dự đoán, cô nàng đã trúng tuyển vào công ty nhờ khả năng nhìn nhận và biết áp dụng thực tế của ngành kinh doanh vào trong đáp án của mình, ngay cả khi cách giải quyết của cô là… không giải quyết vấn đề.