Thế hệ Millennials (hay còn gọi là thế hệ Y), là khái niệm để chỉ những người sinh từ năm 1980 đến 2000. Lực lượng chiếm 35% dân số đất nước đang có tên trên hàng loạt sổ đỏ và các giấy tờ quan trọng khác. Trong vòng 5 – 10 năm tới, Gen Y “sinh sau” vẫn sẽ nắm quyền quyết định mua sản phẩm bất động sản.

Với đặc điểm lớn lên cùng các phương tiện truyền thông, thế hệ này thực sự quan tâm tới các vấn đề xã hội. Thế hệ Millennials là những người hưởng ứng mạnh mẽ các xu hướng vì môi trường. Các chiến dịch như: less plastic (nói không với rác thải nhựa), dùng túi vi sinh tự hủy, chung tay dọn rác, ăn chay,… đang thu hút sự quan tâm mạnh mẽ từ cộng đồng.

bất động sản xanh

Khách hàng tương lai – những người hết mình về vấn đề cộng đồng, xã hội. Nguồn: Shutterstock.

Bất động sản Xanh tập trung vào các vật liệu thân thiện với môi trường, giảm thiểu khí thải ra môi trường và hiệu ứng nhà kính. Cư dân trong công trình xanh còn được hưởng lợi về mặt sức khỏe với: nguồn nước sạch, tiếng ồn giảm thiểu, môi trường trong lành, mát mẻ, tràn ngập ánh nắng tự nhiên và gió trời…

Ngoài việc thu hút sự chú ý ban đầu, sản phẩm còn khơi dậy sự tự hào cho người sở hữu vì ý nghĩa tích cực, nhân văn. Cộng với lợi ích cùng cư dân tạo lập cuộc sống khỏe khoắn, lành mạnh, Bất động sản Xanh sẽ là sự lựa chọn ưa thích của những chủ nhân trẻ tương lai và là sắc màu nhân văn tích cực trên các phương tiện đại chúng.

Sở hữu một căn nhà mang ý nghĩa vì môi trường sẽ khiến Millennials phải tự hào. Nguồn: Shutterstock.

Giải pháp cứu cánh cho vấn nạn ô nhiễm không khí đô thị:

Ô nhiễm không khí không phải một vấn đề mới, nhưng nó thật sự nhức nhối trong những năm gần đây. Kẻ giết người thầm lặng này lấy đi sinh mạng của 3000 người Úc mỗi năm, và với hàng xóm của chúng ta – Trung quốc – con số này là 1 triệu người. Theo tờ báo Guardian của Anh, cứ 5 ca tử vong thì có 1 ca liên quan tới không khí ô nhiễm tại nước này.

Tổ chức Y tế Thế Giới (WHO) đưa ra cảnh báo rằng các trường hợp chết vì ô nhiễm không khí còn nhiều hơn số trường hợp do AIDS, tiểu đường, tai nạn giao thông cộng lại. Sự thật là nó chiếm tới 1/8 nguyên nhân tử vong trên toàn thế giới. Lý do vì ngoài việc mắc phải bệnh ung thư phổi nhưng mọi người thường nghĩ (vốn chỉ chiếm 6%), nó còn là tác nhân của bệnh tim mạch, đột quỵ và nhiễm trùng đường hô hấp.

Bụi bặm gia tăng khiến cư dân lo ngại về chất lượng sống. Nguồn: Kênh 14.

Còn ở Việt Nam, tình hình ô nhiễm thế nào? Những ngày vừa rồi, chúng ta có thể thấy thành phố lớn như Hà Nội và Hồ Chí Minh luôn bị phủ trong một lớp sương mù đặc. Báo chí đã có rất nhiều bài viết về vấn đề này, đủ để người dân sống tại đô thị có ý thức hơn về chất lượng không khí xung quanh.

Hồ điều hòa có tác dụng thanh lọc không khí. Nguồn: VTC News

Với mật độ xây dựng san sát nhau tại đô thị, sẽ rất khó để có thể cải thiện được tình hình mặc dù cư dân bắt đầu lo ngại. Giải pháp gần hồ điều hòa và trồng nhiều cây xanh giúp thanh lọc không khí của công trình xanh sẽ mang tới cho khách hàng thêm 1 sự giải pháp an cư tối ưu.

Gia tăng giá trị lợi nhuận một cách bền vững:

Không chỉ đơn thuần mang ý nghĩa xã hội, Bất động sản xanh còn mang lại những lợi ích kinh tế thiết thực. Để đạt được tiêu chí “xanh” đúng nghĩa, dự án phải chứng minh hiệu quả tối ưu về tiết kiệm nước, điện, chất thải và chi phí bảo trì. Đây là nền tảng để phát triển bền vững và tạo nên sự khác biệt trên thị trường.

LEED, một tiêu chuẩn chứng nhận công trình xanh của Hoa Kỳ báo cáo rằng nhờ tiêu chuẩn này giúp các doanh nghiệp giảm tổng cộng 1.2 tỷ USD chi phí năng lượng, 149.5 triệu USD chi phí nước, 715.3 triệu USD chi phí bảo trì và 54.2 triệu USD chi phí rác thải từ 2015 -2018. Còn LOTUS, tiêu chuẩn chứng nhận của riêng Việt Nam, trong năm 2018 ghi nhận tiết kiệm cho dự án 5.700.147 m3 nước, 15.828.757 kWh điện.

Bất động sản xanh kiến tạo nên giải pháp “xanh” cho bài toán kinh tế và phát triển bền vững. Nguồn: Shutterstock.

Những con số đó không hẳn yêu cầu nỗ lực cao siêu cùng trang thiết bị hiện đại tối tân. Chúng có thể bắt nguồn từ những đóng góp vô cùng đơn giản, ví dụ như tấm năng lượng mặt trời. Ở Việt Nam, chi phí lắp đặt dao động từ vài trăm triệu đến 1 tỷ đồng, nhưng kết quả vô cùng xứng đáng: Khách sạn Majestic và Rex ở HCM tiết kiệm được 70% chi phí năng lượng, còn Khách sạn Đệ Nhất giảm được 270 triệu mỗi năm.

Còn rất nhiều thành công ở lĩnh vực bất động sản nhờ áp dụng yếu tố “Xanh”, Munkas xin gửi gắm ở bài tiếp theo.

Những dự án Bất động sản Xanh còn có lợi thế không bị mất giá theo thời gian, thậm chí còn tăng mạnh khi xu hướng Xanh ngày một phát triển. Vì nó hướng đến yếu tố con người, nên giá trị sử dụng của nó luôn vượt trội hơn các dự án khác. Ví dụ nhân viên luôn muốn làm việc trong một môi trường không khí trong lành, kéo theo những công ty sẽ có xu hướng chọn những nơi “xanh” để đặt văn phòng*. Vì vậy, giá thuê mặt bằng luôn đảm bảo ở mức tốt cho các chủ đầu tư. Loại hình Trung tâm Thương mại; Shophouse,… cũng được hưởng lợi ích kinh tế tương tự.

Đương nhiên, tính thanh khoản của nó cũng sẽ cao hơn các dự án cùng phân khúc.

*Hẳn bạn sẽ có câu hỏi rằng ở trong nhà và ở trên cao thì có đỡ ô nhiễm hơn không? Câu trả lời là không hẳn. Vì phạm vi giới hạn của bài viết vấn đề này sẽ được đề cập trong một bài viết khác.

MẤT:

Chi phí tăng lên:

Chi phí đầu tư có thể tăng trung bình từ 5-17% để đạt một chứng nhận đạt chuẩn xanh với những lợi ích thiết thực hữu hình. Tuy nhiên, giá bán hoàn toàn có thể không tăng do nhiều yếu tố: cạnh tranh, sức mua của thị trường, vị thế chưa được đánh giá đúng tầm …

Ngoài ra, nó còn có thể bị “đội giá” một cách vô ích. Công trình xanh hiện tại ở Việt Nam có thể còn hiểu sơ khai ở mức độ là: nhiều cây xanh. Vì thế, các kiến trúc sư đã dùng nhiều thủ pháp để đưa cây xanh vào nhiều nhất có thể, kể cả đưa lên mái. Nhưng nếu thiết kế không đúng cách sẽ vô cùng tốn kém: chi phí cho các vật liệu chống thấm, các giá thể cho đất có chất liệu khó phân hủy, phí chăm sóc vận chuyển cây…

Quy trình để tạo ra một dự án chuẩn xanh còn phải yêu cầu sự phối hợp nhịp nhàng giữa Chủ đầu tư, Kiến trúc sư, Kỹ sư kết cấu và Kỹ sư cơ điện. Vì vậy, bất cứ lý do nào liên quan tới tiến độ, chi phí, kỹ thuật,… khiến dự án sẽ nhanh chóng trật khỏi đường ray dự tính ban đầu. Hậu quả tác động tới nguồn lực dự án, khiến công trình tiết kiệm năng lượng nhưng lại lãng phí nguyên vật liệu, thiết bị và chính chủ đầu tư là nạn nhân.

Nếu không có sự thống nhất và chuyên nghiệp, việc thiết kế công trình chuẩn xanh dễ làm chủ đầu tư “lao đao”. Nguồn: Shutterstock.

Hiện tại, ở Việt Nam, công trình xanh chỉ mới ở giai đoạn khởi đầu. Vẫn chưa thực sự có những ban hành các ưu đãi từ Chính phủ về tài chính như cho vay vốn với lãi suất ưu đãi, giảm trừ thuế. Sự tham gia của các tổ chức tín dụng, ngân hàng, hỗ trợ từ các quỹ tiết kiệm năng lượng cũng đang còn hạn chế.

Thời gian kéo dài:

Vẫn chưa xuất hiện các chính sách đơn giản hóa các thủ tục xét duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình xanh từ phía Nhà nước. Đối với những chứng nhận của nước ngoài, đòi hỏi Chủ đầu tư phải thực hiện nghiêm túc nhằm đáp ứng được tiêu chuẩn khắt khe của họ. Chưa tính những công trình đã xây sẵn, sẽ mất thêm một khoản thời gian thẩm định, nghiên cứu và tìm cách phương án thay đổi phù hợp.

Có nhiều yếu tố khiến công trình BĐS xanh tốn nhiều thời gian hơn những dự án thông thường. Nguồn: Shutterstock.

KẾT:

Việc áp dụng và phát triển công trình xanh mới chỉ mang tính tự nguyện, dựa trên ý thức của chủ đầu tư công trình. Họ nhận thấy được những lợi thế ưu việt về các chi phí vận hành, xu hướng thị trường, phát triển bền vững. Đã đến lúc ngừng hiểu sai về bất động sản Xanh như một mỹ từ để phục vụ cho việc bán hàng, tạo sự nổi tiếng nhất thời.

Bất động sản Xanh còn giúp nâng cao hình ảnh của khu vực, các nhà lãnh đạo, chủ đầu tư về ý thức xây dựng cộng đồng, quan tâm đến chất lượng sống của cư dân. Vì vậy, xây dựng được một dự án Xanh rất cần sự chung tay của Chính quyền, Chủ Đầu tư, Kiến trúc sư, Nhà phát triển và cả người dân.

Nguồn: copy